Bị mẹ chồng ghét vì là con gái nhà quê
717 views

Vân cứ hi vọng, nhìn cậu bé đáng yêu như thiên thần thế này, mẹ chồng cô sẽ yêu thương cháu lắm. Bởi rất nhiều bà mẹ chồng, tuy ghét con dâu nhưng vẫn quý cháu nội lắm. Nhưng với mẹ chồng Vân thì không. Bà không thích con dâu cũng đồng nghĩa với việc chẳng ưa gì cháu nội. (chia sẻ thành viên blog tam su)

Vừa giặt xong đống quần áo, Vân vội vội vàng vàng bước xuống dưới nhà tìm con. Thấy cậu con trai chưa tròn 3 tháng tuổi của mình đang nằm chỏng chơ dưới đất chẳng có ai trông, cô ôm con vào lòng mà trào nước mắt vì tủi nhục.

Vân là con gái của vùng đất nghèo Bắc Giang. Ngay từ khi bố mẹ Giang về thăm nhà Vân, ông bà bắt đầu tỏ rõ thái độ khinh thường cô. Đến khi chuẩn bị cưới, mẹ chồng cô vẫn không ngừng nguýt ngang nguýt dọc. Bà chê gia đình cô là dân nhà quê, không xứng với anh chàng kĩ sư xây dựng con trai bà, không xứng với gia đình mấy đời Hà Nội nhà bà.

Trước khi lấy nhau, không ít lần Vân phải chạnh lòng nghe những lời khinh miệt của mẹ chồng tương lai. Nhưng vì yêu Giang, cô quyết gạt lòng tự trọng sang một bên.

Tối đầu tiên ở nhà chồng, Vân đã bị mẹ chồng gọi xuống phòng khách, thuyết giảng cho một bài. Bà bảo: “Con gái ở thành phố không giống người ở quê đâu, làm gì cũng phải sạch sẽ, đi đứng thì phải ý tứ, mà đừng có tọc mạch. Chuyện nhà ai, nhà ấy biết thôi. Đừng có giữ cái thói buôn chuyện của mấy bà ở quê”.

Vân rướm nước mắt nhưng vẫn vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện. Vốn từ trước đến nay, là người ít lời nên Vân không có thói quen tọc mạch chuyện người khác. Chỉ có điều, cô đã học xong sư phạm, giờ đang học lên cao học nên không có lương cố định. Cô chỉ quanh quẩn đi dạy thêm gia sư rồi lại về nhà.

Bao nhiêu khoản chi tiêu, cô đều dựa vào lương của chồng. Đã bị phụ thuộc về tiền bạc rồi ngày nào cũng phải đối mặt với mẹ chồng, nhiều khi Vân như phát điên. Cô tự nhủ: “Thôi, phận làm dâu nhẫn nhịn mẹ chồng một chút cũng chẳng sao”.

Vân làm bất kì việc gì, mẹ chồng cô cũng sợ bẩn, bắt cô làm lại đi làm lại. Mọi ngày, cô thấy mẹ chồng rửa rau với 3 lần nước. Cẩn thận hơn, Vân đã rửa đi rửa lại 4 lần. Nhưng mẹ chồng vẫn không yên tâm, lại bắt Vân đi rửa thêm vài lần nữa. Có lần, trong bữa cơm, mẹ chồng lỡ ăn phải hạt sạn, thế là bà làm ầm lên, nói cô ở bẩn rồi ngúng nguẩy bỏ bữa khiến ai trong gia đình cũng ái ngại.

Mẹ chồng khinh thường tôi vì tôi là người nhà quê

Mẹ chồng khinh thường tôi vì tôi là người nhà quê

Chồng Vân đi công trình biền biệt, thỉnh thoảng mới về nhà. Lúc nào cũng thấy mẹ chồng nàng dâu “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, anh thương vợ, nhiều lần khuyên nhủ mẹ thì mẹ anh đùng đùng lên nói anh vì vợ mà bất hiếu với mẹ. Để cho yên chuyện, anh đành phải dặn vợ nhẫn nhịn.

Lấy chồng được 5 tháng mà vẫn chưa thấy có bầu, mẹ chồng bóng gió nói rằng cô đúng là “cây độc” không có con. Khi ấy, Vân im lặng nhưng trong lòng cô, nỗi căm thù mẹ chồng đã dâng lên ngùn ngụt. Mẹ có thể sỉ nhục cô, có thể chửi mắng cô nhưng không thể nói những lời cay độc như thế với con cô.

Thế rồi, ông trời cũng thương cô. Ngay trong tháng ấy, vợ chồng Vân có tin vui. Cứ ngỡ có con rồi, mẹ chồng sẽ bớt khinh miệt mình hơn. Nhưng Vân đã lầm. Mẹ chồng đã không tỏ vẻ mừng rỡ, còn dửng dửng ra mặt. Vân có bầu được 3 tháng, cô bị nghén nặng, cứ ăn là nôn, mắt lúc nào cũng díp lại vì buồn ngủ. Mẹ chồng không hiểu, cứ nói cô đã ở nhà ăn bám lại còn lười biếng, kênh kiệu.

Lúc ấy, chị gái Giang cũng có thai. Mẹ chồng Vân ngày nào cũng hầm gà, rồi bọc trứng gà, thịt bò, trứng vịt lộn mang sang nhà cho con gái bồi bổ. Còn đối với Vân, nhiều khi cô nghén, thích ăn món gì lắm cũng không dám nhờ mẹ chồng mua. Cô lấy cớ có chút việc ra ngoài rồi vội vàng đi ăn lén ăn lút ngoài quán.

Có lần, Vân nôn thốc nôn tháo vì nghén. Người cô xanh rớt như tàu lá chuối. Cô vừa lên giường nghỉ ngơi thì nghe thấy tiếng mẹ chồng oang oang bên nhà hàng xóm “Nhà tôi vô phúc lấy phải cô con dâu nhà quê nghèo rớt, nhà tranh vách đất, chẳng có của nải gì”.

Vân òa khóc. Cô thương bố, thương mẹ, thương thân mình. Cô trách chồng, liệu anh có hiểu cho những giây phút tủi nhục thế này của cô không?

Đến khi Vân trở dạ, chồng ở xa chưa về kịp. Cô tức tốc thông báo với mẹ chồng. Vân đau như ngất đi được, thế mà mẹ chồng vẫn dửng dưng như không. Bà bảo: “Làm gì mà như cha chết mẹ chết thế? Tôi đây đẻ 2 đứa mà có làm sao đâu”.

Phải đến khi Giang liên tục gọi điện về giục mẹ đưa vợ đi viện, bà mới thủng thẳng gọi taxi cho Vân.

Em bé ra đời trong niềm hân hoan vô hạn của vợ chồng Vân. Vân cứ hi vọng, nhìn cậu bé đáng yêu như thiên thần thế này, mẹ chồng cô sẽ yêu thương cháu lắm. Bởi rất nhiều bà mẹ chồng, tuy ghét con dâu nhưng vẫn quý cháu nội lắm. Nhưng với mẹ chồng Vân thì không. Bà không thích con dâu cũng đồng nghĩa với việc chẳng ưa gì cháu nội.

Dù Vân sinh con so, phải kiêng cữ nhiều song ngay từ khi con mới được hơn 1 tháng, cô đã phải tự chăm con lại vừa tự giặt giũ. Mẹ chỉ nấu hộ bữa cơm.

Có lần, phải giặt cả chậu tã to, Vân nhờ mẹ chồng trông cháu hộ. Thế mà khi giặt xong, xuống nhà thì thấy con đang nằm chơ vơ trên nền gạch ở giữa nhà. Quá xót xa cho con, Vân nước mắt ngắn dài quay sang hỏi mẹ chồng: “Mẹ con con làm gì nên tội mà lúc nào mẹ cũng ghét bỏ như xúc đất đổ đi thế? Đến cháu mẹ, mẹ còn không thương thì mẹ thương được ai?”.

Mẹ chồng có vẻ sốc trước những lời thẳng thắn của cô con dâu vốn quen nhịn nhục. Song bà cũng chẳng e dè, quắc mắt nói thẳng vào mặt Vân: “Thế cô không biết cái tội của cô thật à? Cái ngữ nhà quê ngoi lên lấy chồng thành phố, phúc ba mươi đời nhà cô giờ còn hoạnh họe gì nữa. Không biết thân biết phận mà còn láo toét thì chết với tôi!”.

Vân choáng váng. Cô không thể ngờ trên đời này lại có cái tội mang tên “nhà quê”. Cô đã nhẫn nhục bao nhiêu trước sự khinh miệt của mẹ chồng, vậy mà vẫn không xong… Chớp nhoáng, trong đầu cô lóe lên suy nghĩ: “Dù khổ đến mấy cũng phải thuyết phục chồng ra ở riêng thôi!”.

Theo phu nu net