Lá cây rừng hại chết thai nhi
659 views

Nguy kịch vì uống lá rừng

san-phu-say-thai-vi-uong-la-rung-va-cuoc-dua-voi-tu-thuoc
Chồng bệnh nhân Vi Thị Ăm bên giường bệnh vợ tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch

Đang mang thai 13 tuần tuổi, chị Vi Thị Ăm (36 tuổi, Sơn La) không may mắc suy gan, suy thận. Không có tiền chữa chạy, chị đã uống lá rừng với mong muốn cầm cự đến ngày mẹ tròn con vuông. Nào ngờ, không những bệnh tình ngày càng trầm trọng, cái thai bị chết lưu, người mẹ rơi vào tình trạng hết sức nguy kịch.

Tại khoa hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, hình ảnh người chồng nghèo khổ ngày đêm bên cạnh chăm sóc người vợ đang trong tình trạng nguy kịch khiến các bác sĩ và những người chứng kiến không khỏi xót xa, thương cảm. Bệnh nhân là chị Vi Thị Ăm (36 tuổi, dân tộc Thái, quê Bản Chạy, xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, Sơn La). Chị nhập viện ngày 24/3 trong tình trạng nguy kịch, vàng da, phù nặng. Các bác sĩ tiến hành kiểm tra và chẩn đoán bệnh nhân bị suy gan, suy thận, chảy máu tiêu hóa và chỉ định tiến hành lọc máu thận, thở máy và sử dụng kháng sinh.

Chồng bệnh nhân là anh Vi Văn Ân nghẹn ngào tâm sự, anh chị đều là người dân tộc, quanh năm bám rừng, bám ruộng. Mặc dù nghèo đói nhưng anh chị vẫn cố gắng làm lụng nuôi hai con khôn lớn. Mong muốn lớn nhất đối với người đàn ông này là vợ con được khỏe mạnh, no ấm. Đón Tết Nguyên đán xong, vợ chồng anh vô cùng hạnh phúc khi biết gia đình sắp đón thêm thành viên mới.

Khi bắt đầu thấy những dấu hiệu có thai đầu tiên của vợ, anh Ân phấn khởi lắm, tự nhủ sẽ chăm chỉ làm ăn kiếm tiền để chào đón con nhỏ. Thế rồi, niềm vui kéo dài chưa được bao lâu thì tai ương bỗng ập vào gia đình anh, khiến đứa bé chưa cất tiếng khóc chào đời đã ra đi mãi mãi, người vợ đầu ấp tay gối trong tình trạng nguy kịch. Còn gì xót xa hơn khi bệnh tật đeo bám, cái nghèo càng dai dẳng, cuộc sống vô cùng bế tắc khi vợ đau ốm, con cái nhỏ dại, tiền bạc không có, đôi lúc anh Ân ngã gục trước hiện thực phũ phàng.

Theo anh Ân, chị Ăm có thai 13 tuần tuổi thì hai chân bị sưng. Chị Ăm đi khám tại một bệnh viện huyện và các bác sĩ chuẩn đoán chị bị suy thận. Gia đình đã làm thủ tục cho chị Ăm nhập viện điều trị. Thế nhưng, do điều kiện kinh tế khó khăn, điều trị tại bệnh viện huyện mới một tuần thì gia đình đưa chị về nhà với ý định tìm một phương pháp chữa trị khác. Và rồi, nghe người ta mách uống nước lá rừng khỏi, gia đình đã tìm lá về sắc cho chị uống với mong muốn căn bệnh quái ác kia sẽ tan biến cho mẹ con chị được bình an, khỏe mạnh.

Trớ trêu thay, càng uống nước lá, tình trạng bệnh của chị Ăm càng xấu đi. Triệu chứng phù nề ngày càng rõ rệt, da dẻ vàng vọt khiến chị yếu đuối, đáng thương vô cùng.Thấy nguy kịch, gia đình đã đưa chị lên bệnh viện tỉnh chữa trị, bệnh viện tỉnh sau khi thăm khám cũng viết giấy chuyển viện lên tuyến trên. Chị Ăm được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Bệnh nhân bị suy gan, suy thận, chảy máu tiêu hóa và chỉ định tiến hành lọc máu thận, thở máy và sử dụng kháng sinh.

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, khoa Hồi sức tích cực – nơi đang điều trị cho bệnh nhân Ăm, cho biết, hiện tại tình trạng sức khỏe của chị vẫn rất nguy kịch. Tình trạng rối loạn đông máu vẫn tiếp diễn. Chiều 23/3 chị Ăm bị sảy thai, các bác sĩ khoa hồi sức tích cực đã mời các bác sĩ sản khoa thăm khám và làm thủ thuật hút thai lưu  cho chị ngay tại phòng bệnh. “Chúng tôi đang cùng bệnh nhân chạy đua từng phút với tử thần. Giờ chỉ lo nhất trường hợp chảy máu não. Chị Ăm khá tỉnh táo và các dấu hiệu khác cho thấy chị vẫn còn cơ hội sống nên chúng tôi không thể bỏ cuộc, dù gia đình đã xin đưa bệnh nhân về”, bác sĩ Thạch chia sẻ.

Xin bệnh viện cho về vì không có tiền chữa trị

phat-hien-di-tat-thai-nhi
Ảnh minh họa

Chia sẻ về giây phút khi mất đi đứa con chưa kịp ra đời, anh Ân không giấu nỗi niềm đau xót và tự trách móc bản thân. Anh nói, giá như anh không chủ quan mà đưa vợ lên Hà Nội từ sớm thì có lẽ sẽ không đến mức này. Vợ anh sau khi biết mất đi giọt máu của mình cũng không kìm được giọt nước mắt. Chị đau khổ và không thiết sống nữa, thế nhưng nghĩ đến hai đứa con nhỏ, chị đành kìm lòng, cố gắng vượt qua bệnh tật mong sớm trở về bên gia đình.

Bác sĩ Thạch cho biết thêm, nhập viện từ 24/3 nhưng gia đình chị Ăm chưa có tiền nộp viện phí, song khoa hồi sức tích cực vẫn tạo điều kiện điều trị cho chị như tất cả các bệnh nhân khác. Chi phí lọc máu cho chị mấy ngày này đều lấy từ nguồn kinh phí hỗ trợ của khoa. Theo bác sĩ, mỗi ngày chị Ăm phải lọc máu do thận không đào thải được, chi phí ngót nghét gần 20 triệu đồng. Gia đình chị là hộ nghèo, có bảo hiểm y tế nhưng nhiều khoản và vật tư đắt tiền không được bảo hiểm thanh toán hết. Số tiền còn lại phải trang trải là vô cùng lớn với hoàn cảnh túng quẫn hiện tại.

Anh Vi Văn Ân cho hay, vợ chồng anh làm nông, có hai đứa con nhỏ, bình thường đã phải chật vật lo cái ăn. Khi vợ đi viện, anh bán cả ao và vườn cùng vài đồ dùng trong gia đình cũng chỉ vỏn vẹn được 7 triệu đồng. Số tiền này anh đã dùng để lo cho vợ khi ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, tới khi đến Bệnh viện Bạch Mai thì không còn đồng nào nộp viện phí. Vì hết tiền, nhiều lần anh Ân đã xin đưa vợ về chờ chết nhưng các bác sĩ khoa hồi sức tích cực luôn động viên anh cố gắng để chị ở lại điều trị, hy vọng còn cơ hội cứu sống. Mấy ngày nay, bữa ăn của anh cũng được các y, bác sĩ trong khoa giúp cho.

Mong muốn giúp bệnh nhân có thêm nguồn hỗ trợ để tiếp tục chống chọi với bệnh tật, bác sĩ Phạm Thế Thạch đã lên facebook cá nhân kêu gọi mọi người trợ giúp cho bệnh nhân Vi Thị Ăm. Sau 3 ngày bài đăng trên trang cá nhân, đã có rất nhiều bạn bè của anh, rồi bạn của bạn… đã góp sức ủng hộ bệnh nhân, với số tiền được hơn 30 triệu đồng. “Chúng tôi không nỡ để bệnh nhân về nhà chờ chết khi thấy họ vẫn còn cơ hội cứu chữa. Chúng tôi sẽ làm hết sức và hy vọng mọi người sẽ chung tay góp sức cứu người phụ nữ này. Chị còn có hai đứa con nhỏ ở quê nhà. Cũng vì mẹ đi viện nên đứa con lớn của chị đã phải nghỉ học, ở nhà lo cho em”, bác sĩ Thạch chia sẻ.

Tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Bạch Mai, ngày 28/3, bệnh tình của chị Ăm đã có chuyển biến tích cực rõ rệt. Chị đã nói được và nhận biết được những tín hiệu xung quanh. Nhờ nhưng tấm lòng hảo tâm mà anh Ân và chị Ăm đã phần nào yên tâm hơn để điều trị bệnh tình. Vợ chồng anh Ân cũng bày tỏ lòng biết ơn đến các tấm lòng hảo tâm đã trợ giúp anh chị trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Mong muốn lớn nhất của người chồng này là vợ khỏe mạnh trở lại, quay về làm lại từ đầu để lo cho tương lai bọn trẻ.

Cũng từ trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, người dân không nên tự ý sử dụng các bài thuốc dân gian, các loại lá cây không rõ nguồn gốc một cách bừa bãi. Điều này không những không làm cho bệnh tình thuyên giảm mà còn khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch, nhiều người còn ngộ độc dẫn đến mất mạng.Tại khoa chống độc của bệnh viện, không ít các trường hợp nhập viện trong tình trạng mơ màng vì bị nhiễm độc từ lá rừng hay những bài thuốc tự chế.Bác sĩ khuyên rằng, người mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế thăm khám, từ đó các bác sĩ chẩn đoán và có hướng điều trị phù hợp nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.